Cầu Châu Giang, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Sau 10 năm được thành lập, thành phố Phủ Lý đã có bước chuyển mình phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, hội tụ đầy đủ các điều kiện của một đô thị loại II. Việc phát triển thành phố Phủ Lý thành đô thị loại II là phù hợp định hướng phát triển đô thị quốc gia, chương trình phát triển của tỉnh Hà Nam và cũng là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Phủ Lý.
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/8/2011 của Tỉnh ủy về phát triển đô thị tỉnh Hà Nam đến năm 2015, định hướng trong quy hoạch vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Phủ Lý đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Địa giới hành chính của thành phố được mở rộng từ 34,27 km2 với 12 đơn vị phường, xã lên 87,87 km2 với 21 đơn vị hành chính (11 phường, 10 xã), quy mô dân số trên 135.000 người. Công tác quy hoạch đô thị, đầu tư xây dựng và phát triển các đô thị mới, khu tái định cư, khu công nghiệp tập trung, khu cây xanh, khu thể thao và đặc biệt là các công trình giao thông đầu mối, các công trình trọng điểm về lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thương mại - dịch vụ đã tạo cho thành phố có một diện mạo mới cả về không gian và chất lượng đô thị, mang dáng dấp của một đô thị văn minh, hiện đại.
Đáng chú ý, hệ thống giao thông đối ngoại phát triển nhanh, thuận tiện và là lợi thế lớn của thành phố. Các công trình thương mại, dịch vụ như hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn được xây dựng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đến nay, thành phố Phủ Lý đã có 10 công trình thương mại dịch vụ cấp đô thị điển hình như: Chợ Bầu, trung tâm thương mại Vincom, trung tâm dịch vụ thương mại Mường Thanh, trung tâm thương mại Hải Đăng... Cùng với đó, thành phố còn đầu tư xây dựng nhiều công trình và không gian công cộng như: Công viên Nguyễn Khuyến, vườn hoa Nam Cao,...; cải tạo, nâng cấp và mở rộng 10 hồ như hồ Chùa Bầu, hồ A1, hồ bắc Trần Hưng Đạo, hồ Vân Sơn, hồ Vực Kiếu…
Năm 2018, thành phố Phủ Lý đã hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra; tổng thu ngân sách đạt 1.370,535 tỷ đồng, bằng 155,6% so với kế hoạch tỉnh giao, bằng 142,9% Nghị quyết HĐND thành phố phấn đấu và tăng 29,7% so với thực hiện năm 2017.
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thành phố Phủ Lý cũng đang trên đà phát triển. Phủ Lý hiện có một khu công nghiệp và ba cụm công nghiệp với diện tích hơn 487 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng hơn 90%, thu hút hơn 500 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Thành phố tập trung chỉ đạo các xã tích cực phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2018, thành phố có thêm hai xã đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (toàn bộ 10 xã đạt chuẩn).
Cùng với đó, công tác quy hoạch, quản lý đô thị được thành phố duy trì bảo đảm. Quy hoạch khu du lịch sinh thái tập trung tại các xã Phù Vân, Kim Bình và các khu vực ven sông Đáy, sông Châu Giang,... Nhiều công trình di tích tôn giáo được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh như đình Thịnh Châu Hạ, đình Thịnh Châu Thượng, địa điểm trận địa pháo phòng không Lam Hạ (1965-1972), đình An Xá...
Với mục tiêu, hạ tầng đô thị phải được đồng bộ, thành phố Phủ Lý đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường. Công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản được tăng cường, chú trọng đầu tư có trọng điểm, quy mô hợp lý và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Tuyến đường 68m là tuyến đường huyết mạch của thành phố, là trục phát triển kinh tế chủ đạo của tỉnh Hà Nam nói chung và thành phố Phủ Lý nói riêng. Tuyến đại lộ gắn với các chức năng quan trọng của tỉnh và đô thị như: Khu Đại học Nam Cao phía Bắc, Trung tâm hành chính chính trị của tỉnh, Trung tâm y tế chất lượng cao của vùng, thương mại - dịch vụ gắn liền với Ga trung chuyển giao thông đầu mối liên vùng. Hiện tại có rất nhiều tuyến đường cần đầu tư xây dựng, nhưng vì vị trí vai trò, chức năng quan trọng nên tuyến đường 68m được ưu tiên đầu tư trước. Tuyến đường 68m dài 1,862km địa bàn xã Liêm Chung, thành phố Phủ Lý được thực hiện theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao) với tổng mức đầu tư khoảng gần 200 tỷ đồng. Quỹ đất tạo nguồn dự kiến khoảng 18,47ha trong tổng số 45,24ha (bao gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hệ thống giao thong đối nội, đối ngoại và phần đất thương phẩm tạo nguồn cho dự án), ở 08 vị trí riêng biệt, khác nhau trên địa bàn thành phố Phủ Lý. Trong quá trình thực hiện tuyến đường 68m đã được UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp thiết kế đô thị trục đường 150m, 68m, trục dọc sông Châu và cập nhật, điều chỉnh chi phí bảo vệ - phát triển đất trồng lúa theo đúng quy định của pháp luật. Dự kiến đến năm 2021 sẽ được thông tuyến.
Đạt những thành tựu to lớn trong tất cả các mặt, đến nay thành phố đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để được công nhận là đô thị loại II, khẳng định được vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, công nghiệp, nông lâm nghiệp, thủy sản, đối ngoại…; có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh Hà Nam nói chung và thành phố Phủ Lý nói riêng, góp phần tăng trưởng kinh tế cho khu vực, đẩy nhanh hơn tốc độ đô thị hóa của tỉnh.