Trong các năm 2009, 2010, khi thị trường bất động sản bùng nổ, các doanh nghiệp trong ngành gần như không dành thời gian cho công tác nghiên cứu sản phẩm, xây dựng chiến lược kinh doanh một cách chuyên nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp bất động sản chỉ tập trung đầu tư thật nhiều dự án, bất chấp mức độ khả thi và có đem lại giá trị cho khách hàng hay không, bởi các khách hàng lúc bấy giờ cũng chủ yếu là nhà đầu cơ ngắn hạn.
Tuy nhiên, đến khi bong bóng bất động sản bị vỡ, thị trường trầm lắng, khiếm khuyết của thị trường và sai lầm của các doanh nghiệp đầu tư bất động sản mới bộc lộ. Các sản phẩm bất động sản kém chất lượng không thể bán được, các doanh nghiệp đầu tư thiếu bài bản, không có kế hoạch, chiến lược mới lâm vào khó khăn toàn diện.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng chủ yếu cũng chỉ mang tính tình thế, như tăng cường marketing, khuyến mại, giảm giá... Vì vậy, kết quả bán hàng vẫn không được cải thiện nhiều, lượng tồn kho giảm chậm.
Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra là do các sản phẩm không có sự khác biệt và chủ yếu là tập trung vào phân khúc cao cấp, không phù hợp với nhu cầu thực của thị trường.
Để "phá băng" cho thị trường, nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ đã được Chính phủ, các bộ, ngành đưa ra, các doanh nghiệp cũng đã cơ cấu lại sản phẩm của mình để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường.
Ngoài việc cơ cấu lại sản phẩm, một số doanh nghiệp cũng đã tìm hướng đi khác, tìm khiếm cơ hội ở thị trường khác khi nhận thấy thị trường trong nước gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) khi doanh nghiệp này đã bán các dự án bất động sản ở Việt Nam để tập trung đầu tư cho dự án tại Myanmar - một thị trường mới và có nhiều tiềm năng khi vừa mở cửa hội nhập với kinh tế thế giới.
Hướng đi này của HAGL đã đem lại hiệu quả cao cho khi dự án của Công ty ghi nhận khoản lợi nhuận lớn từ dự án này. Khoản lợi nhuận này chiếm 76% lợi nhuận trước thuế quý III/2014 của HAGL. Dự kiến trong quý IV, HAGL Land, đơn vị chủ quan của dự án bất động sản tại Myanmar sẽ tiếp tục chào bán riêng lẻ 56 triệu cổ phần, thu về hơn 2.100 tỷ đồng. Hoạt động này sẽ tiếp tục mang về cho HAGL một khoản lợi nhuận tài chính trong quý IV.
Không giống như HAGL, một số doanh nghiệp bất động sản trong nước lại tìm cơ hội cho mình ở thị trường trong nước khi đi vào những phân khúc ít cạnh tranh như nhà giá thấp, hoặc đầu tư ở các địa phương ít cạnh tranh, thay vì chỉ tập trung đầu tư ở Hà Nội và TP. HCM.
Đơn cử, trong khi thị trường chung đang gần như bị "đóng băng", thì Dự án Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) của Công ty Xây dựng Tư nhân Số 1 Lai Châu với mức giá 10 triệu đồng/m2 đã tạo nên những con sốt trên thị trường.
Sở dĩ Công ty có thể đưa ra một mức giá thấp đến như vậy là vì ngay từ đầu công ty đã tiết giảm chi phí trong quá trình phát triển dự án bằng cách tự thực hiện tất cả các bước phát triển dự án từ khâu phát triển quỹ đất, thiết kế, xây dựng đến bán hàng.
Trong khi đó, CEO Group lại tập trung đầu tư vào các "tỉnh lẻ", ít chịu sự canh tranh hơn. Đơn cử, công ty này đầu tư Dự án Khu đô thị River Silk City tại TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Với lợi thế là nhà đầu tư tiên phong, CEO đã chọn được vị trí đắc địa để đầu tư dự án này.
Mới đây, doanh nghiệp đã khánh thành hạ tầng kỹ thuật, khu tiện ích và mở bán Dự án vào tháng 12/2014. Dù với mức giá chỉ từ 6,3 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT), nhưng đại diện CEO Group cho biết, dự án dự kiến sẽ mang lại gần 200 tỷ đồng doanh thu và đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2014 của CEO Group ước tính đạt hơn 70 tỷ đồng, tương ứng với EPS 2014 là hơn 2.000 đồng.
Thị trườn bất động sản hiện đã hồi phục, đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, cơ hội không đến với tất cả, mà chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm và đầu tư chuyên nghiệp mới nắm bắt được cơ hội, còn các doanh nghiệp thiếu chuyên nghiệp hoặc thiếu tiềm lực sẽ vẫn bị thanh lọc.
(Theo Bình An - Tin nhanh chứng khoán